Những điều bố cần biết
Trước hết, phải hiểu rằng định nghĩa “đấng nam nhi” là một khái niệm mang tính tương đối. Ta không thể chỉ bó buộc trong một danh sách các điều dạy cứng nhắc hay áp đặt một chuẩn mực nào. Đối với trẻ con, định nghĩa này sẽ được soi chiếu từ người đàn ông gần gũi nhất với trẻ, thường là người cha. Rất nhiều ông bố khi có con sẽ bắt đầu tìm cách hành xử chín chắn hơn trước kia, bởi họ hiểu rằng mình đã trở thành hình mẫu người đàn ông trong mắt trẻ. Họ muốn con trai trở thành người đàn ông mà mình mong muốn, chứ không chỉ là một phiên bản sao chép của chính họ.
Dạy con trai thế nào?
Người bố cần biết sự có mặt của họ bên cạnh con gây ảnh hưởng rất sâu đậm. Một ông bố sẽ liên tục nằm trong tầm quan sát của con, với vai trò là hình mẫu lý tưởng. Vì thế, ông bố cần tích cực tìm cách tham gia vào cuộc sống của con càng nhiều càng tốt. Đó có thể là việc thường xuyên lắng nghe và cho con lời khuyên, cùng con thực hiện các hoạt động hàng ngày, tổ chức các cuộc chơi hàng tuần,... miễn sao để người bố trở thành một phần cuộc sống của con. Đừng làm một ông bố thụ động, chỉ thực hiện các “nghĩa vụ” như chu cấp cho gia đình mà không thực sự có mặt bên trẻ.
Dạy con những gì?
Vậy người bố cần dạy con trai những gì để trở thành một người đàn ông chín chắn? Có thể tóm gọn qua ba gạch đầu dòng:
- Cách xử sự với người khác, bao gồm những người thân nhất trong gia đình, với mẹ, với vợ, sau đó là bạn bè và cuối cùng là với những người lạ.
- Khả năng chăm sóc bản thân, trong đó bao gồm việc học cách tôn trọng chính mình, tự chăm sóc sức khỏe, cách ăn nói, đi đứng, ăn mặc.
- Cần thiết nhất là trẻ phải tìm được một mục đích sống, dù khiêm tốn hay cao xa thì đó cũng sẽ là điều thôi thúc người ta tiến lên phía trước.
Điều bố cần làm
- Cách bố đối xử với vợ mình sẽ thường xuyên gây ấn tượng cho đứa con trai. Không chỉ phép lịch sự mà bố thể hiện khi ở bên cạnh mẹ, mà còn là cách người bố bày tỏ tình yêu thương với mẹ. Từ bắt chước cách bố chăm sóc mẹ, đứa con trai sẽ học được cách đối xử với phái nữ, và sau này sẽ là vợ của mình. Vì thế, người bố đừng nên tránh né việc bày tỏ tình yêu thương với vợ trước mặt trẻ.
- Với việc dạy trẻ cách chăm sóc bản thân, ngoài cách thức dạy cho trẻ các kỷ luật cá nhân từ nhỏ, bố cũng nên tổ chức những buổi họp mặt, nơi trẻ có thể tham gia các hoạt động của một người đàn ông trưởng thành. Giả bộ cạo râu, thắt cà vạt, chọn kiểu tóc... những hoạt động tương tự như thế sẽ chuẩn bị cho bé về cuộc sống trưởng thành của một người đàn ông.
- Cuối cùng, cách giúp trẻ tìm được mục đích sống là cho trẻ trải nghiệm càng nhiều càng tốt. Bố có thể tạo nhiều cơ hội cho bé thực hiện các “cuộc phiêu lưu” ra ngoài thế giới, như đi du lịch hay chỉ đơn giản là thăm nơi bố làm việc. Dạy cho bé giá trị của lao động cũng như biết trân trọng những gì mà cuộc sống đem đến. Những điều như thế sẽ tạo cơ hội cho trẻ tìm đến các lựa chọn nghề nghiệp và chân lý sống cho riêng mình.
Điều quan trọng không kém là các ông bố đừng gượng ép, giả tạo trước mặt con. Bố cũng chỉ là một con người, đôi lúc vẫn mắc sai lầm, nhưng quan trọng là cách đối đầu với sai lầm như thế nào. Đó sẽ là bài học quý báu cho trẻ. Tương tự, một ông bố có thể bày tỏ sự xúc động cũng như những giây phút yếu đuối. Hình ảnh một ông bố dũng cảm đối chọi với sự bất công, thất bại hay các trở ngại của cuộc sống, nhưng cũng có thể khóc một mình luôn là một trong những hình ảnh sâu đậm trong mắt trẻ.
Theo phunuonline