Chuyên mục: Tủ sách Khám phá  
Ngày đưa tin: 07/01/2015    

Đàn môi - nhạc cụ độc đáo của Việt Nam và thế giới

Đàn môi của người H’mông là một trong những cây đàn độc đáo nhất của nước ta. Đặc biệt, Việt Nam là xứ duy nhất có đến 10 loại đàn môi khác nhau.

Đàn môi là một trong những nhạc cụ cổ xưa nhất của loài người (cùng với trống, sáo...). Đàn môi độc đáo nhưng ít người biết đến vì đó là cây đàn của người dân tộc H’mông ở phía Bắc của Việt Nam. Những dân tộc ít người khác như người Gia Rai, Bana… ở Tây Nguyên cũng có cây đàn môi. Đặc biệt, Việt Nam là nơi duy nhất có đến 10 loại đàn môi khác nhau và có thể còn nhiều loại khác chưa được phát hiện hoặc đã bị thất truyền. Trong khi đó, tất cả các nước châu Âu chỉ có một loại đàn môi duy nhất.

GS.TS Trần Quang Hải (con trưởng của GS.TS Trần Văn Khê) là một trong những người sáng lập Hiệp hội Đàn môi thế giới (The International Jew's Harp Society (IJHS)). Trong nhiều thập kỷ qua, ông đã giới thiệu và biểu diễn đàn môi Việt Nam ở 70 quốc gia và lãnh thổ. Cho đến nay, mặc dù đàn môi có mặt ở nhiều nước nhưng các trang web giới thiệu đàn môi trên thế giới dùng chữ “dan moi”, khẳng định Việt Nam là nơi tập trung loại nhạc cụ thú vị này.
Trong chuyến về thăm Việt Nam năm nay, GS.TS Trần Quang Hải và người học trò của mình - Đặng Văn Khai Nguyên (24 tuổi), thành viên Hiệp hội Đàn môi thế giới đã có buổi chia sẻ về cây đàn môi và các loại nhạc cụ dân tộc vào ngày 1/8 tại TPHCM. 
 

GS.TS Trần Quang Hải (bìa trái) giới thiệu, góp ý cách chơi đàn môi
 

Bộ sưu tập đàn môi của Đặng Văn Khai Nguyên có rất nhiều loại đàn môi tại Việt Nam và các nước

Là người chuyên biểu diễn và sáng chế đàn môi, bạn Đặng Văn Khai Nguyên cho biết: “Đàn môi hay jew's harp là tên gọi chung của một loại nhạc cụ có nhiều kiểu dáng khác nhau nhưng nguyên lý tạo ra âm thanh thì giống nhau, chất liệu làm bằng kim loại như đồng, sắt, nhôm, bạc... Hoặc bằng tre hay một số ít bằng gỗ dừa, cọ hoặc các cây gỗ lớn khác.

Đàn môi theo tiếng H'mông gọi là Trangz ndangl (cái kèn), Ede gọi là Gốc, Jarai gọi là Roding, người Hrê gọi là Ra-ngói, Cơtu gọi là Ângkro… Nét đặc trưng của đàn môi Việt Nam là được đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng như một phương tiện bày tỏ tình cảm hay hẹn hò, giao duyên. Như trong một điệu hát Kơlâu Kơlênh của người Cơ Tu có đề cập đến đàn môi làm bằng tre:

Em ơi em,
Anh làm chiếc Âng kro
Để đàn nói giùm anh
Những điều không nói được
Anh lên trên núi cao
Chọn cây tre già nhất
Lấy đoạn tre tốt nhất
Làm chiếc đàn khéo nhất
Lựa những lời hay nhất
Để nói với em những lời chân thật nhất
Thương em nhiều nhất
Em ơi em, em có biết không?


Tiêu biểu nhất phải kể đến là đàn môi H'mông (Trangz ndangl). Đây là một loại đàn môi làm bằng hợp kim đồng (hay được sản xuất đại trà bằng đồng pha niken) đựng trong một ống tre được trang trí bằng hoa văn thổ cẩm, hình dáng tựa như chiếc lá liễu, lá tre. Những chàng trai cô gái người H'mông gặp gỡ nhau trong buổi chợ phiên, lễ hội ném còn, múa khèn... thường trao nhau lời giao duyên mộc mạc qua âm thanh của đàn môi.
 

Bạn Cao Trí (bìa trái) nhận xét: cách sử dụng đàn môi đơn giản, dễ học, càng chơi càng thích.
 
Buổi giới thiệu đàn môi đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhiều bạn trẻ yêu thích văn hóa nghệ thuật dân tộc. Bạn Cao Trí, làm việc tại một cửa hàng gốm handmade ở quận 1 hào hứng: “Mình rất yêu thích âm nhạc và biết chơi một số nhạc cụ: trống, guitar, acmonica… Ban đầu mình tưởng đàn môi giống như kèn lá nhưng hóa ra không phải. Khi được biết đàn môi là nhạc cụ của Việt Nam nổi tiếng trên thế giới, mình càng thấy thú vị hơn”.
 
Theo bạn Cao Trí, chiếc đàn môi nhỏ gọn, rất thuận tiện để đem theo người và có thể biểu diễn mọi lúc mọi nơi. “Mình dự định sau khi chơi đàn môi thành thạo, sẽ biểu diễn những bài hát của quen thuộc với giới trẻ để có thêm nhiều bạn bè chú ý và yêu thích đàn môi như mình” - bạn Cao Trí chia sẻ.

Báo điện tử Dân trí


Họ tên(*) :  
Email(*) :
Địa chỉ :
Điện thoại :
Nội dung(*) :
Lưu ý:

            1. * : là những phần bắt buộc phải nhập vào.

            2.      Nội dung giới hạn trong 4000 ký tự

Các tin khác :
Vườn cổ tích
Nhà trẻ
Mẫu giáo

Câu chuyện về trường mầm non Hoa Hồng Đỏ quận 9

 
Trang chủ | Giới thiệu trường | Tin tức | Thông báo | Liên hệ
copyright@2007 HoaHongDo _ Design by PSC