Chuyên mục: Hội chứng Down  
Ngày đưa tin: 21/04/2009    

Tìm hiểu về hội chứng down

Sanh ra một đứa trẻ bị hội chứng Down là một nỗi đau không chỉ của gia đình mà còn là gánh nặng cho xã hội. Hiểu biết đúng về bệnh để tránh cho ra đời những trẻ bị hội chứng Down, cũng như chăm sóc tốt và giúp cho những trẻ em chẳng may mắc phải căn bệnh này có thể hòa nhập phần nào với cuộc sống là những gì mà bài viết này muốn chia sẻ với các bạn.

   Thế nào là hội chứng Down?

   Đây là một bệnh lý bẩm sinh có liên quan đến bất thường của bộ nhiễm sắc thể. Số lượng nhiễm sắc thể ở người bình thường là 46 (gồm 23 cặp) nhưng ở những người mắc hội chứng Down sẽ có dư thêm 1 nhiễm sắc thể số 21, tình trạng này dẫn đến hậu quả trẻ sẽ bị giảm trí thông minh và chậm phát triển về thể chất.

   Làm sao nhận biết trẻ bị hội chứng Down?

   Trẻ bị Hội chứng Down thường có chung một nét mặt mà y khoa gọi là “vẻ mặt Down”:

   -          Mặt: Trẻ có đôi mắt xếch và khoảng cách giữa 2 mắt xa nhau, đôi tai dẹt và thấp. Mũi tẹt và hàm răng nhỏ hơn bình thường một chút

   -          Tay, chân: tay chân trẻ ngắn so với thân mình. Lòng bàn tay trẻ có thể chỉ có 1 đường chỉ nằm ngang thay vì 2 đường như người bình thường.

   Nhìn vẻ bề ngoài thì bác sĩ có thể đoán biết được một trẻ có bị hội chứng Down hay không nhưng bằng chứng chính xác nhất vẫn là xét nghiệm đếm số lượng nhiễm sắc thể trong tế bào.

   Hội chứng Down ảnh hưởng đến trẻ như thế nào?

   -          Trẻ bị hội chứng Down sẽ chậm phát triển vào các cột mốc quan trọng trong những năm đầu đời như ngồi, đi, đứng, nói và thói quen vệ sinh.

   -          Giảm trí thông minh

   -          Ảnh hưởng đến sức khỏe: 50% trẻ bị hội chứng Down có kèm theo tim bẩm sinh, một số ít hơn có các bất thường về đường tiêu hóa. Ngoài ra trẻ còn dễ mắc các bệnh nhiễm trùng và có các vấn đề về khớp.

   Có cách nào phòng ngừa bệnh không?

   Không có cách nào khác ngoài việc bạn nên kiểm tra sức khỏe thường xuyên khi mang thai, lắng nghe sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa và làm đầy đủ các xét nghiệm tiền sản để tầm soát một số bệnh lý bẩm sinh mà thai nhi có thể mắc phải. Hội chứng Down có thể được phát hiện từ trong bào thai qua kiểm tra nước ối. Ngoài ra, theo một số tác giả thì tuổi tác của mẹ cao trên 35 tuổi cũng làm tăng nguy cơ sinh con mắc hội chứng này.

   Nếu lỡ con tôi bị Hội chứng Down, gia đình phải làm sao?

   Việc có một đứa trẻ bị hội chứng Down chắc chắn sẽ gây nên một vết thương tâm lý trong lòng những người làm cha làm mẹ, có thể bạn sẽ phải trải qua những “bậc thang cảm xúc” sau: sốc và hoài nghi, bực tức và oán giận, đau đớn, sợ hãi và cuối cùng vẫn luôn là cần đến sự giúp đỡ. Hãy đối mặt với sự thật và đặt suy nghĩ “bé đang rất cần bạn” lên trên hết. Hãy biểu lộ cho bé biết rằng ba mẹ luôn yêu thương và cần có bé. Trẻ bị hội chứng Down vẫn được coi như một thành viên quan trọng trong gia đình và được đối xử công bằng như các anh chị em khác. Hãy cho trẻ 3 quyền: được công nhận, được có vai trò xã hội và được khuyến khích. Bên cạnh đó trẻ cần được giáo dục và rèn luyện các kỹ năng thể chất và tâm thần. Tóm lại, sự thương yêu, hỗ trợ từ phía gia đình sẽ tạo nền móng vững chắc cho trẻ đương đầu với cuộc sống trước mắt và về sau.

Bác sĩ Như Huỳnh, BV Nhi Đồng I

 


Họ tên(*) :  
Email(*) :
Địa chỉ :
Điện thoại :
Nội dung(*) :
Lưu ý:

            1. * : là những phần bắt buộc phải nhập vào.

            2.      Nội dung giới hạn trong 4000 ký tự

Các tin khác :
Vườn cổ tích
Nhà trẻ
Mẫu giáo

Câu chuyện về trường mầm non Hoa Hồng Đỏ quận 9

 
Trang chủ | Giới thiệu trường | Tin tức | Thông báo | Liên hệ
copyright@2007 HoaHongDo _ Design by PSC