BS Phạm Ngọc Thanh, BV Nhi Đồng 1 trả lời thắc mắc
1. Bác sĩ cho em hỏi giúp. Bé em được 10 tháng, bé hay lấy tay đánh vào đầu rất mạnh, hiện tại bé cao 75cm, nặng 11kg. Xin cho em hỏi bé có bị sao không? có cần phải đưa bé đi khám không?
Trả lời: Chị nên cho bé khám tâm lý tại Bệnh viện, Chuyên viên tâm lý sẽ tìm hiểu thông tin về cách cha mẹ nuôi con. Không biết bé có bị ai đánh không, vì trẻ em hay bắt chước hành vi của người lớn. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên quan sát xem bé có hành vi đánh vào đầu lúc nào? khi bé cảm thấy khó chịu? vì bé chưa thể giao tiếp bằng lời nói, nên bé có thể dùng hành vi để bộc lộ một sự khó chịu, kháng cự bằng hành vi gây đau cho bản thân để gây sự chú ý của người lớn. Hành vi này có thể được thấy ở các trẻ thiếu sự quan tâm của cha mẹ vì cha mẹ bận việc, ít dành thời gian để chơi, tỏ tình yêu thương đối với trẻ.
.JPG)
Minh họa: GV trường MN Hoa Hồng Đỏ đang dạy bé chậm phát triển
2. Cháu trai của em 16 tháng tuổi mà không biết nói tiếng đơn, không quan tâm đến lời nói của người lớn, đặc biệt rất thích xem quảng cáo, dù đang khóc khi nghe quảng cáo ở ti vi là nín khóc ngay, xem xong quảng cáo rồi khóc. Có dấu hiệu đặc biệt là không bao giờ nói theo hay làm theo bất cứ điều gì ở cha mẹ. Xin bác sĩ cho em lời khuyên, có phải bé bị trầm cảm không?
Trả lời: Bình thường trẻ bắt đầu nói tiếng đơn từ 1 tuổi như “ba”,”mẹ”, “ông”, “bà”. Trước khi biết nói, trẻ hiểu được những tiếng và lệnh đơn giản như hiểu từ “không” từ 1 tuổi và lấy được 1 số vật dụng quen thuộc đưa cho bố mẹ. Theo khuyến cáo của các bác sĩ nhi khoa Hoa Kỳ, không nên cho trẻ dưới 2 tuổi xem truyền hình vì truyền hình không giúp trẻ tương tác với con người. Muốn giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, thì cha mẹ nên dành thời gian chơi và nói chuyện với trẻ trong mọi sinh hoạt thường ngày , như khi cho bé ăn thì nói “ăn”, “bánh”, “uống”, “sữa”. Trước khi bé nói, bé cần đạt một số kỹ năng trước ngôn ngữ như đáp ứng với tên gọi, biết chỉ bằng ngón trỏ điều trẻ yêu cầu hoặc quan tâm, biết chơi theo đúng chức năng của đồ chơi. Cha mẹ cũng nên cho bé kiểm tra thính lực để loại trừ chứng khiếm thính kèm theo không nói.
Chưa thể kết luận bé bị trầm cảm hay không, vì cần khái thác thêm bệnh sử của bé từ trong bụng mẹ và trong quá trình 16 tháng đời của bé. Cũng cần có thông tin về tâm lý của mẹ trong lúc mang thai và cách cha mẹ nuôi con vì trầm cảm ở trẻ có thể có liên quan đến trầm cảm của mẹ.
Đề nghị cha mẹ đưa bé đến khám tại khoa Tâm Lý, BV Nhi Đồng 1.
3. Tôi có đứa cháu năm nay đã tròn năm tuổi mà vẫn chưa biết nói chuyện, nhưng cháu có thể nghe và hiểu người khác nói gì. Tôi thấy cháu cũng chưa có biểu hiện của người bị câm là không nói được thì la ú ớ. Thỉnh thoảng cháu có tức giận gì đó là la và khóc không à. Vậy xin hỏi Bác sĩ biểu hiện của cháu như vậy là triệu chứng gì? Do gia đình ở Cà Mau nên việc đi khám chưa rành lắm. Mong Bác sĩ tư vấn giúp gia đình tôi.
Trả lời: Cháu đã tròn 5 tuổi mà chưa biết nói là một điều đáng quan tâm. 5 năm đầu đời là thời gian thuận lợi cho não của trẻ phát triển và bình thường ở tuổi này, trẻ đã có thể phát triển ngôn ngữ tương đối hoàn chỉnh để chuẩn bị vào lớp 1 lúc 6 tuổi. Tôi đề nghị cha mẹ liên hệ với khoa Tâm Lý, BV Nhi Đồng 1. Chuyên viên tâm lý cần thêm thông tin về sự phát triển của trẻ trong bụng mẹ, lúc sinh và sau sinh để đánh giá sự phát triển toàn diện của trẻ. Trẻ cũng cần được kiểm tra thính lực để loại trừ khiếm khuyết thính lực dẫn đến rối loạn phát triển ngôn ngữ. Ngoài dấu hiệu chưa biết nói, cần quan sát trẻ trong mối quan hệ xã hội (trẻ có nhìn mặt cha mẹ, có chơi với bạn cùng trang lứa, có biết chia sẻ với người khác) và quan sát hành vi của trẻ, cách trẻ chơi với đồ chơi, cách cha mẹ nuôi con .Sau khi đánh giá toàn diện về sự phát triển của trẻ, chuyên viên tâm lý cùng với các chuyên viên khác(như bác sĩ tai mũi họng, răng hàm mặt, thần kinh, chuyên viên âm ngữ) sẽ có chẩn đoán và hướng giúp trẻ giao tiếp qua hình ảnh thay vì qua lời nói.
4. Tôi có 1 bé gái hiện đang học lớp 1 vào khoảng thời gian gần đây bé thường có hay sợ thường về nhà nói con sợ này sợ kia (cháu chạm gì cũng sợ tay dơ) em đã giải thích rất nhiều về vấn đề đó nhưng bé thường xuyên như vậy, bé vẫn vui chơi bình thường với các bạn. Vì công việc nên em ít có thời gian đưa đón cháu đến lớp mẹ con chỉ gặp nhau vào buổi tối như vậy có ảnh hưởng gì đến tâm lý bé không thưa BS. Khi vào lớp có những lúc bé hay buồn cô hỏi thì bé nói là nhớ mẹ. Xin BS cho em một số lời khuyên cho bé vì những cử chỉ trên và em nên giải thích thế nào. Cám ơn BS rất nhiều mong sớm hồi âm
Trả lời: Theo lời mẹ kể, bé có vấn đề về cảm xúc liên quan đến sợ và buồn.Tôi đề nghị cha mẹ nên dành thời gian buổi tối để lắng nghe và nói chuyện với bé về cảm xúc của bé trong ngày sống.Ví dụ , về cảm xúc sợ, cha mẹ nên hỏi bé sợ điều gì ở nhà cũng như ở trường, xem trẻ có cảm thấy an toàn trong môi trường gia đình và nhà trường không? Bé có chịu áp lực học tập không? cách nuôi dạy của gia đình và nhà trường có dùng bạo lực không?
Về cảm xúc buồn, cha mẹ cũng nên lắng nghe tâm sự của bé. Có khi nào bé phải xa cách cha mẹ lâu ngày không? Khi cha mẹ cần xa cách bé, cha mẹ có giải thích cho bé không? Ai là người chăm sóc chính của bé khi cha mẹ vắng mặt?
Nếu cần, cha mẹ có thể đưa bé đến khám ở khoa Tâm Lý, BV Nhi Đồng 1 để được chuyên viên tâm lý quan sát sự phát triển tổng quát của bé, đặc biệt là sự phát triển cảm xúc và xã hội của bé để chuyên viên thảo luận với cha mẹ , giúp trẻ an tâm học tập trong lớp 1.
5. Tôi có con bị bệnh tự kỷ nên tôi rất lo lắng không biết có thể chữa trị hết hay không, mong bác sĩ hướng dẫn thêm giúp tôi.
Trả lời: Chào bạn,
Bạn nên đưa cháu đến 1 cơ sở khám tâm lý hoặc tâm thần trẻ em để cháu được khám và chẩn đoán bệnh. Chứng tự kỷ được biểu hiện bởi các dấu hiệu khiếm khuyết quan hệ xã hội (ít tiếp xúc mắt, ít quan tâm đến trẻ khác, không biết chia sẻ với bạn, ít biểu lộ tình cảm), khiếm khuyết giao tiếp (chậm nói, không có khả năng đối thoại, lặp lại lời nói hoặc có ngôn ngữ riêng, không chơi giả bộ) và hành vi bất thường (rập khuôn, khó thay đổi thói quen, hay quay vòng tròn, đi trên đầu ngón chân, quan tâm đến chi tiết của đồ vật). Những triệu chứng này xảy ra trước 3 tuổi.
Chứng tự kỷ hiện nay được các nhà chuyên môn xem như một rối loạn chức năng thần kinh, chưa rõ nguyên nhân. Có 1 số yếu tố di truyền và môi trường có thể ảnh hưởng đến tự kỷ. Hiện nay chưa có thuốc để chữa lành chứng tự kỷ. Tuy nhiên, nếu bệnh được phát hiện sớm từ 16 tháng tuổi thì có những biện pháp giáo dục tâm lý có thể giúp trẻ phát triển khá hơn và hội nhập xã hội.